Ấm áp ngày Tết cổ truyền Hà Nội

blogger templates

Không khí Tết đã tràn ngập trên phố phường với màu xanh của cây cối, của lá dong, màu đỏ của đào bích, sắc hồng của đào phai, vàng tươi của quất, bưởi, phật thủ, cam đường...
Mâm cỗ ngày Tết dù chỉ là những đồ ăn nhẹ nhàng nhưng nó thể hiện được hết nét tinh túy của văn hóa ẩm thực Hà Nội.
Hình ảnh Ấm áp ngày Tết cổ truyền Hà Nội số 1
Lễ chùa cầu may đầu năm. Ảnh: Hải Nguyễn
Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội đủ lệ bộ là bốn bát, sáu đĩa. Bát bóng nấu với chân tẩy, thịt lợn nạc và nước dùng gà, thêm ít tôm nõn. Chân tẩy là các loại củ như su hào, cà rốt được thái mỏng theo hình hoa cho ngon và đẹp mắt. Bát miến nấu lòng gà. Bát măng kho ninh với chân giò điểm vài củ hành hoa lên trên. Còn sáu đĩa là: đĩa xôi, thịt gà luộc, thịt đông, đĩa xào, đĩa giò lụa (hoặc giò xào) cá kho riềng, thêm đĩa nộm và dưa hành trắng muốt.
Một số nhà giàu có ở Hà Nội xưa còn có thêm một số món ăn cao cấp như long tu, măng tây, vây, bóng thủ, nấm thả, chim hầm... Ngoài thịt gà luộc còn có gà rán hay thịt kho tàu, hạnh nhân xào, lạp xưởng, trứng muối, đĩa nộm bằng rau câu trộn với thịt. Người Hà Nội vốn chuộng hình thức, nên mâm lễ ngày Tết được bày biện khéo và đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món nấu được rắc hành, rau thơm lên trên xanh mướt. Đĩa nộm nhiều màu sắc hài hòa, rau mùi xanh, ớt đỏ, lạc rang vàng và su hào trắng, chỉ nhìn củng thấy ngon. Đó là mâm cỗ Tết của người Hà Nội, không chỉ ngon, bổ, mà còn được "ăn cả bằng mắt".
Tết đến mọi người đoàn tụ, không khí gia đình ấm cúng biết nhường nào. Được chờ nồi bánh chưng chín trong đêm lạnh. Những người con đi xa tìm về tổ ấm. Những nụ cười nhoẻn trên môi mong một mùa xuân về. Ngân nga hát khúc giao mùa rộn rã. Chúc nhau những ly rượu trong cái lạnh của mùa đông, lúc đó mới thấy cái tình thật ấm áp.
Tết cổ truyền của người Hà Nội không chỉ có mâm cao cỗ đầy, mà còn phải có trà, có mứt. Ngày xưa, ngoài mứt Tết, người ta còn chuẩn bị cả các loại bánh. Bánh ngọt ngày Tết của Hà Nội xưa là bánh chè lam, bánh vẽ, bánh huê cầu làm bằng gạo nếp. Bánh vẽ của làng Vẽ to bằng quả trứng gà, nở phồng, bên trong xốp rỗng ăn giòn tan ngay đầu lưỡi với vị ngọt thanh. Bánh huê cầu của làng Xuân Cầu cho vào chảo mỡ đang sôi, bánh sẽ nở xòe to, ăn giòn tan mà lại béo ngậy, ngọt ngào.
Đón năm mới, người Hà Nội còn chú ý tới việc dọn dẹp nhà cửa, để ý tới quần áo của mình và con cái sao cho mọi người đều được tươm tất trong những ngày xuân với mong muốn năm mới chỉ nhận được những điều tốt đẹp.
Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên bàn thờ gia tiên lúc này cũng được lau chùi, chỉnh sửa với mâm ngũ quả tươi tắn đủ màu tượng trưng cho sự tồn tại của ngũ hành, cũng được trang trọng đặt trên bàn thờ. Các cụ xưa thường trang hoàng nhà cửa bằng những câu đối và tranh dân gian. Giới trẻ bây giờ lại ưa xin chữ với những nét thư pháp bay bổng, uốn lượn mang đầy ý nghĩa như “Tâm”, “Phúc”, “Đức”, “Lộc”, “Nhẫn”…
Qua giờ phút thiêng liêng Giao thừa, vào ngày đầu năm mới, người Hà Nội thường đi lễ chùa. Các chùa chiền của Hà Nội đầu năm mới nào cũng nườm nượp người ra người vào nhưng tuyệt nhiên không có sự xô đẩy, chen lấn hay cãi vã. Ai cũng nhường nhịn, nói năng nhẹ nhàng nơi linh thiêng thờ tự để cầu mong một năm mới mạnh khỏe, hanh thông.
Nhiều người nước ngoài không giấu được sự ngạc nhiên và thú vị trước tập tục năm mới khi đặt vé máy bay tết đi Hà Nội. Brian Right, một du khách người Mỹ không giấu được sự hồ hởi: “Tết ở Hà Nội đặc biệt lắm. Không còn thấy những đường phố đông nghịt xe máy hay tắc đường. Không khí thật trong trẻo và tươi mát. Cứ như Hà Nội đã mặc một chiếc áo mới vậy. Ngạc nhiên hơn cả là bạn sẽ được lì xì mừng tuổi, thật thú vị”.
Ăn Tết, đón năm mới nơi đất khách quê người luôn mang lại những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên được một ai đó tặng những bao lì xì màu đỏ chứa đựng trong đó những đồng tiền mang đầy may mắn mãi luôn là một kỷ niệm không thể quên đối với Brian cũng như nhiều du khách nước ngoài khác khi đón Tết tại Hà Nội.

1 Response to "Ấm áp ngày Tết cổ truyền Hà Nội"